So sánh giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải
Trọng tài và hòa giải là hai phương thức giải quyết tranh chấp đang ngày càng trở nên phổ biến, lý do là bởi sự linh hoạt trong các quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp, tạo nên sự thuận tiện cho các bên giải quyết tranh chấp. Nhưng giữa các phương thức này có những sự khác biệt nhất định, và để quý khách hàng có thể có một cái nhìn tổng quan nhất về trọng tài và hòa giải, công ty Luật Việt An sẽ đưa ra bài viết dưới đây.
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại;
Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại.
So sánh giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải
Điểm giống nhau giữa giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải
Đều phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba vào quá trình giải quyết tranh chấp.
Cả hai phương thức giải quyết tranh đều không có thẩm quyền đương nhiên để giải quyết vụ tranh chấp.
Đều gồm các nguyên tắc giải quyết tranh chấp:
Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ;
Các thông tin liên quan đến vụ việc giải quyết tranh chấp đều được tiến hành một cách bí mật;
Nội dung thỏa thuận trọng tài hay hòa giải đều không được vi phạm điều cấm của luật, cũng như không được trái đạo đức xã hội.
Điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài/ hòa giải: cả trọng tài và hòa giải đều có thể trở thành phương thức giải quyết tranh chấp nếu giữa các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài/hòa giải.
Trọng tài và hòa giải đều có thể phân thành:
Trọng tài/hòa giải vụ việc;
Trọng tài/hòa giải quy chế.
Tiêu chuẩn trọng tài viên/hòa giải viên:
Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
Có trình độ đại học;
Có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn.
Điểm khác nhau giữa giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải
STT
Tiêu chí
Trọng tài
Hòa giải
1
Cơ sở pháp lý
Luật Trọng tài thương mại 2010;
Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại.
2
Khái niệm
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp, theo đó các bên tranh chấp thỏa thuận mang tranh chấp ra cho bên thứ ba là trọng tài để giải quyết, hội đồng trọng tài sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng, có tính bắt buộc đối với các bên tranh chấp.
Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp, theo đó các bên thỏa thuận mang vấn đề cho bên thứ ba là hòa giải viên làm trung gian để hỗ trợ giải quyết tranh chấp.
3
Vai trò
Giải quyết tranh chấp đến tận “gốc rễ” của vấn đề, quyết định xem bên nào đúng, bên nào sai.
Thuyết phục các bên tiến tới một phương án mà cả hai cùng có lợi, chứ không đi giải quyết triệt để vấn đề.
4
Hình thức tồn tại
Là một cơ chế giải quyết tranh chấp độc lập.
Có thể tồn tại dưới hai dạng thức:
Là phương thức giải quyết tranh chấp độc lập;
Hoặc là một bước trong quy trình của phương thức giải quyết tranh chấp khác (ví dụ: trọng tài, tòa án)
5
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp
Trọng tài viên phải là những người độc lập, khách quan và tuân thủ theo đúng những gì mà pháp luật quy định.
Phán quyết trọng tài mang giá trị chung thẩm.
Thỏa thuận hòa giải của các bên không được để nhằm mục đích trốn tránh các nghĩa vụ hay xâm phạm vào quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba.
6
Tiêu chuẩn của Trọng tài viên/Hòa giải viên
Trọng tài viên phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm thực tiễn đã thực hiện công tác theo ngành đã học tại đại học.
Hòa giải viên có ít nhất 02 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực được đào tạo.
7
Chi phí
Thường cao hơn do thủ tục phức tạp hơn.
Thường thấp hơn trọng tài do tính đơn giản về thủ tục.
8
Thời gian
Thời gian giải quyết tranh chấp dài.
Thường ngắn hơn trọng tài do thủ tục đơn giản hơn.
9
Tính bắt buộc phải thi hành kết quả
Phán quyết có tính chung thẩm, buộc cái bên phải tuân thủ và thi hành theo.
Việc thực hiện kết quả giải quyết tranh chấp hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí tự nguyện của các bên.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện.
Bước 2: Nộp phí trọng tài.
Bước 3: Nguyên đơn tiến hành chỉ định trọng tài viên cho bên mình.
Bước 4: Trung tâm/Hội đồng trọng tài… tiến hành xét đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Bước 5: Thụ lý đơn kiện.
Bước 6: Bị đơn nộp bản tự bảo vệ và tiến hành chỉ định trọng tài viên cho bên mình.
Bước 7: Thành lập hội đồng trọng tài.
Bước 8: Tiến hành quá trình xét xử bằng trọng tài.
Bước 9 Hội đồng trọng tài ra phán quyết ràng buộc các bên.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải
Bước 1: Các bên thiết lập thỏa thuận hòa giải bằng văn bản
Bước 2: Các bên tranh chấp tiến hành chỉ định hòa giải viên tham gia giải quyết tranh chấp
Bước 3: Các bên tranh chấp cùng hòa giải viên lựa chọn thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải
Bước 4: Tiến hành quá trình hòa giải
Bước 5: Kết thúc hòa giải và các bên dựa trên kết quả hòa giải để lập văn bản hòa giải thành.
Ưu điểm và nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với giải quyết tranh chấp bằng hòa giải
Ưu điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với hòa giải
Đây là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nên thường được coi là biện pháp cuối cùng mà các bên lựa chọn khi các phương thức giải quyết tranh chấp khác không có hiệu quả.
Phán quyết của trọng tài có giá trị ràng buộc cao hơn so với kiến nghị của hòa giải viên. Bởi, phán quyết của trọng tài có thể được thực hiện thông qua cơ quan thi hành án dân sự, còn kiến nghị của hòa giải viên thì không có cơ quan nào cưỡng chế thi hành.
Trọng tài có thể sử dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, còn trọng tài thì không.
Nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với hòa giải
Trọng tài là tổ chức phi chính phủ, hoạt động dựa trên sự tự chủ về tài chính, do đó chi phí để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ cao hơn so với việc giải quyết tranh chấp bằng các phương thức khác.
Vì trọng tài sẽ ra phán quyết cuối cùng, và dựa trên phán quyết này sẽ quyết định bên thắng và bên thua, dẫn tới mối quan hệ giữa các bên có thể bị rạn nứt và khó để tiếp tục cùng nhau hợp tác. Trong khi kết quả hòa giải là đôi bên cùng có lợi, nên sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên sau tranh chấp.
Thời gian để giải quyết một vụ tranh chấp bằng trọng tài lâu hơn so với giải quyết bằng hòa giải. Bởi, trọng tài phải tuân theo có trình tự, thủ tục dài hơn và phải giải quyết đến tận cùng vấn đề nên mất nhiều thời gian.
Lời khuyên cho doanh nghiệp khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp
Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tùy vào đối tượng và tình hình tranh chấp mà quý doanh nghiệp có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp.
Chẳng hạn, mẫu thuẫn giữa quý doanh nghiệp với một bên khác là những mâu thuẫn đơn giản, có thể giải quyết được bằng hòa giải thì quý khách hàng nên lựa chọn sử dụng hòa giải để giải quyết tranh chấp, vì như vậy sẽ:
Tiết kiệm thời gian, chi phí;
Cũng như không ảnh hưởng nhiều đển lợi nhuận doanh nghiệp;
Đồng thời còn giữ được mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các bên tranh chấp.
Quý khách hàng có bất vướng mắc về các phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An qua điện thoại, Zalo hoặc gửi email để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!