Hiện nay, tồn tại 4 phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến bao gồm: Thương lượng, Hòa giải, Trọng Tài, Tòa án. Trong đó, phương thức thương lượng, hòa giải, trọng tài là các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án hay còn gọi là phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative dispute resolution – ADR). Cho đến nay, phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp chú ý do các thông tin về hòa giải còn hạn chế. Để khách hàng có cái nhìn tòa diện hơn về hòa giải thương mại, Công ty Luật Việt An xin cung cấp bài viết với các nội dung cụ thể về phương thức giải quyết tranh chấp này.
Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12, được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự số 64/2014/QH13.
Định nghĩa
Hoà giải là phương thức giải quyết tranh chấp thông quan đàm phán trong đó có sự tham gia của bên thứ ba do chính các bên lựa chọn (gọi là hòa giải viên), đóng vai trò là người trung gian giúp các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp loại trừ tranh chấp phát sinh.
Hòa giải có khá nhiều điểm tương đồng với phương thức thương lượng, điểm khác biệt là trong thương lượng không có sự có mặt của bên thứ ba thực hiện việc điều tiết quá trình thương lượng.
Với bản chất là 1 phương thức giải quyết tranh chấp tự chọn, các bên có thể tự lựa chọn luật áp dụng cũng như thủ tục trong suốt quá trình hòa giải.
Về chức năng và nhiệm vụ của hòa giải viên
Việc hòa giải có thể do 1 hòa giải viên hoặc hội đồng hòa giải gồm nhiều hòa giải viên tiến hành.
Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên lắng nghe quan điểm các bên, phân tích, giải thích các vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất giữa các bên, gợi mở giải pháp tối ưu giúp giải quyết tranh chấp giữa các bên và giúp các bên biên soạn biên bản hòa giải thành nếu các bên thống nhất được phương án giải quyết tranh chấp.
Hòa giải viên có thể tiến hành quy trình hòa giải mà họ cho là phù hợp với tranh chấp theo nguyên tắc vô tư, công bằng, đảm bảo công lý.
Bên cạnh xử lý các vấn đề mang tính pháp lý, hòa giải viên còn phải tìm ra các giải pháp mang tính chất thực tiễn có thể chấp nhận được với bất kỳ ai liên quan, có tính đến những lợi ích khác nhau, lợi ích pháp lý cũng như các lợi ích khác (ví dụ, để bảo toàn quan hệ hay danh dự hoặc tìm ra ranh giới cạnh tranh trên thương trường v.v.).
Phân loại hòa giải
Hòa giải vụ việc (ad-hoc): Các bên trong tranh chấp tự lựa chọn bất kì bên thứ ba nào làm hòa giải viên cho vụ tranh chấp. Việc tổ chức và giám sát quá trình hòa giải do các bên thực hiện. Các bên có thể xây dựng nguyên tắc thủ tục riêng dựa trên các bộ quy tắc hòa giải sẵn có. Sau khi kết thúc vụ việc, không phụ thuộc vào kết quả hòa giải, hòa giải viên và hội đồng hòa giải viên sẽ giải tán.
Hòa giải quy chế: Là hình thức hòa giải do 1 tổ chức hoặc 1 trung tâm trọng tài, hòa giải chuyên nghiệp tiến hành. Tổ chức này hoạt động thường xuyên, có điều lệ riêng, có danh sách hòa giải viên thuộc tổ chức, quy chế hoạt động và quy tắc trọng tài riêng. Các hòa giải tham gia các tổ chức này thường là luật sư hoặc các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong đa dạng các lĩnh vực khác nhau.
Đặc điểm của hòa giải
Hòa giải được tiến hành dựa trên thỏa thuận của các bên
Phương thức hòa giải sẽ chỉ được tiến hành khi và chỉ khi các bên tranh chấp nhất trí, tự nguyện lựa chọn phương thức này để giải quyết thông qua thỏa thuận hòa giải.
Để rõ ràng về mặt hình thức, thỏa thuận hòa giải có thể là 1 điều khoản hoặc 1 phần điều khoản về giải quyết tranh chấp trong các hợp đồng hoặc được thỏa thuận ngoài hợp đồng. Có thể thiết lập thỏa thuận hòa giải trước, trong hợp đồng hoặc sau khi có tranh chấp phát sinh.
Hòa giải viên do các bên lựa chọn chỉ đóng vai trò trợ giúp, khuyến nghị các bên 1 cách khách quan, trung lập chứ không quyết định, phân xử vụ việc.
Thủ tục hòa giải linh hoạt
Thủ tục hòa giải là do các bên thỏa thuận, vì vậy có thể thay đổi bất kì lúc nào, bất kì nội dung nào để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hòa giải là phương thức có tính bảo mật cao
Toàn bộ thông tin trong quá trình hòa giải sẽ được giữ bí mật và không được sử dụng như chứng cứ trong các quy trình tố tụng tòa án.
Việc thực thi kết quả hòa giải phụ thuộc vào sự tự nguyện các bên
Khi lựa chọn phương thức hòa giải, nếu các bên không đạt được thỏa thuận, các bên hoàn toàn có thể lựa chọn đưa tranh chấp ra tòa án hay trọng tài mà không bị giới hạn.
Ưu điểm của phương thức hòa giải
Hòa giải mang tính linh hoạt cao
Các bên có quyền tự định đoạt, lựa chọn bất kỳ người nào làm trung gian hòa giải cũng như địa điểm tiến hành hòa giải.
Ngoài ra, các bên có thể tự lựa chọn hoặc thiết lập thủ tục cũng như luật áp dụng cho quá trình hòa giải.
Hòa giải giúp tiết kiệm cho các bên về mặt thời gian, tài chính
Thủ tục hòa giải được tiến hành nhanh gọn không gò bó và tiết kiệm được thời gian.
Với sự giúp đỡ từ các hòa giải viên là chuyên gia có đạo đức, kiến thức chuyên môn sâu, nắm bắt được nhanh chóng các vấn đề, có kĩ năng đàm phán hóa giải, từ đó giúp giảm xung đột giữa các bên và nhanh chóng tìm ra giải pháp hợp lí, từ đó cơ hội giải quyết được tranh chấp cao hơn.
Hoà giải giúp các bên giữ gìn uy tín và quan hệ thương mại
Hòa giải mang tính thân thiện nhằm tiếp tục giữ gìn và phát triển các mối quan hệ kinh doanh vì lợi ích của cả hai bên nên nhìn chung ít gây hại đến quan hệ hợp tác vốn có của các bên.
Có thể giữ được bí mật kinh doanh và vấn đề tranh chấp.
Nhược điểm của phương thức hòa giải
Nhìn chung, ưu điểm của hòa giải nhìn ở góc độ khác có thể coi là nhược điểm, cụ thể:
Hòa giải xuất phát từ lựa chọn các bên và thẩm quyền hòa giải viên thuộc phạm vi những quyền mà các bên trao cho. Hòa giải viên không thể làm quá thẩm quyền của họ. Ví dụ, hòa giải viên không thể cưỡng chế 1 bên phải có mặt trong phiên tòa, không thể buộc các bên cung cấp thông tin, chứng cứ phục vụ của giải quyết tranh chấp, cũng không thể cưỡng chế các bên thực thi kết quả hòa giải dù đó là nỗ lực các bên.
Bên cạnh đó, nền tảng của hỏa giải là dựa vào ý chí tự nhiên thi hành cam kết của các bên bởi vậy nếu thiếu đi thiện chí, sự trung thực hợp tác thì khó đạt được kết quả như mong đợi.
Khi nào nên lựa chọn phương thức hòa giải?
Các bên tranh chấp nên lựa chọn hòa giải khi muốn tránh tốn kém về chi phí và thời gian liên quan đến tố tụng; khởi kiện tại Tòa án có thể gây khó khăn nghiêm trọng về tài chính cho một trong hai bên, dưới góc độ danh tiếng kinh doanh, uy tín và tiếp cận tín dụng. Bên cạnh đó, nếu có doanh nghiệp ưu tiên các lợi ích khác hơn so với các loại ích pháp lý phương thức hòa giải được coi là tối ưu hơn so với các phương thức khác.
Hòa giải thương mại tại Việt Nam
Hiện này hành lang pháp lý cho phương thức hòa giải thương mại đã khá đầy đủ, đặc biệt Chính Phủ đã ban hành Nghị Định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại quy định chi tiết về nguyên tắc hòa giải, trình tự thủ tục hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên, thành lập và hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại. Nghị định này đã quy định một cách toàn diện cho phương thức hòa giải.
Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã rất chú trọng đến hòa giải khi dành riêng một chương XXXIII quy định Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án.
Như vậy, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tin tưởng, lựa chọn phương thức hòa giải để giải quyết tranh chấp của mình.
Công ty Luật Việt An với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, am hiểu về pháp luật pháp luật dân sự, hợp đồng, kinh doanh thương mại, lao động, sở hữu trí tuệ, thuế, tài chính-ngân hàng, doanh nghiệp… luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ quý khách trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Quý khách hàng có khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được tư vấn giải quyết nhanh gọn, chính xác, hiệu quả nhất!