Lao động nữ là đối tượng dễ bị tổn thương do các vấn đề sinh lý đặc thù liên quan đến thai sản, do đó cần được bảo vệ khi tham gia quan hệ lao động. Để tìm hiểu về chế độ thai sản của lao động ở Việt Nam, Luật Việt An tổng hợp chi tiết trong bài viết dưới đây.
Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH.
Điều kiện hưởng chế độ thai sản
Đối tượng người lao động được hưởng chế độ thai sản
Lao động nữ mang thai;
Lao động nữ sinh con;
Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.
Thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản
Người lao động nữ sinh con, mang thai hộ hoặc nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Điều kiện để lao động nữ nghỉ dưỡng thai theo chế độ thai sản
Trong trường hợp lao động nữ sinh con muốn nghỉ dưỡng thai theo chế độ thai sản, người đó phải đáp ứng điều kiện:
Đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên;
Có giấy khám chỉ định nghỉ dưỡng thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền; và
Phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, tức là giảm một nửa so với thời gian yêu cầu trường hợp không nghỉ dưỡng thai.
Lưu ý:
Trường hợp người lao động đủ điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Cách xác định thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
Tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi là mốc để tính thời gian 12 tháng, cụ thể:
Trước ngày 15 của tháng: tháng bắt đầu đó không tính vào thời gian 12 tháng.
Từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH: tháng bắt đầu đó được tính vào thời gian 12 tháng. Trường hợp tháng đó không đóng BHXH thì thực hiện không tính vào thời gian 12 tháng.
Ví dụ 1: Chị A sinh con ngày 18/01/2017 và tháng 01/2017 có đóng BHXH, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 02/2016 đến tháng 01/2017, nếu trong thời gian này chị A đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị A được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Ví dụ 2: Tháng 8/2017, chị B chấm dứt hợp đồng lao động và sinh con ngày 14/12/2017. Nên tháng 12/2017 không được tính vào thời gian 12 tháng mà 12 tháng được tính từ tháng 12/2016 – 11/2017.
Nếu trong thời gian này chị B đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị B được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con
Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi: được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH: cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Điều kiện: Cha phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (cách xác định thời gian 12 tháng như đã trình bày).
Trường hợp người cha và mẹ cùng tham gia BHXH nhưng chỉ có cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con: người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo quy định trên.
Trong thời gian đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà lao động nữ phải nghỉ việc để khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai thì được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 32, 33 và 37 của Luật BHXH.
Mức hưởng chế độ thai sản
Mức hưởng chế độ thai sản được tính theo lương tháng đóng BHXH của các tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ chế độ thai sản. Mức hưởng chế độ thai sản có thể tính theo tháng, theo ngày, và trợ cấp 1 lần vào thời điểm sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.
Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hợp đồng lao động hết thời hạn được tính là thời gian đóng BHXH, thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đã đóng BHXH.
Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi không được tính là thời gian đã đóng BHXH.
Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng BHXH, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ 06 tháng và chế độ con chết sau khi sinh (được trình bày bên dưới) nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế.
Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế.
Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ thai sản
Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản thực hiện theo quy định tại Điều 101, Điều 102, Điều 103 của Luật BHXH và Điều 5 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình số BHXH cho cơ quan BHXH.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt An cho vấn đề chế độ thai sản của lao động ở Việt Nam. Quý khách có thắc mắc cần tư vấn liên quan đến pháp luật lao động, vui lòng liên hệ đến Công ty Luật – Đại lý thuế Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.