Pháp nhân là một chủ thể cơ bản khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự. Do đó việc xác định tư cách pháp nhân của một tổ chức là một điều quan trọng để từ đó xác định các vấn đề pháp lý của pháp nhân khi tham gia vào một quan hệ pháp luật.
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Thông tư số 01/2021/TT-BTP.
Pháp nhân là gì?
Hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện này có quy phạm pháp luật định nghĩa về pháp nhân. Song có thể hiểu rằng pháp nhân là một tổ chức tồn tại vì một mục đích nào đó và có những yếu tố lý lịch cơ bản rõ ràng cho phép phân biệt với các nhân là thành viên của nó và với các pháp nhân khác.
Phân loại pháp nhân
Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015 phân chia pháp nhân thành pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại, có tiêu chí phân biệt là sự phân chia lợi nhuận. Cụ thể:
Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
Ví dụ: Công ty cổ phần Vingroup là pháp nhân thương mại.
Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiểm lợi nhuận. Nếu có lợi nhuận thì cũng không chỉ có các thành viên.
Ví dụ: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là pháp nhân phi thương mại. Vì mục tiêu chính của tổ chức không hướng tới lợi nhuận mà hướng tới các hoạt động nhân văn trong cộng đồng.
Tư cách pháp nhân là gì?
Tư cách pháp nhân là tư cách pháp lý được Nhà nước công nhận cho một tổ chức (nhóm người) có khả năng tồn tại, hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Một công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Điều kiện để một tổ chức được thừa nhận là pháp nhân
Thứ nhất, phải được thành lập hợp pháp.
Pháp nhân ở Việt Nam có thể được thành lập hợp pháp theo 3 con đường:
Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo trình tự cho phép thành lập.
Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Thứ hai, pháp nhân phải có cơ cơ tổ chức chặt chẽ và có cơ quan điều hành.
Cơ quan điều hành của pháp nhân là một tập thể gồm nhiều người có trụ sở làm việc cụ thể. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cuẩ cơ quan điều hành được quy định trong điều lệ của pháp nhân trong quyết định thành lập pháp nhân.
Thứ ba, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của pháp nhân.
Tài sản của pháp nhân phải độc lập với tài sản của pháp nhân khác và độc lập với tài sản của thành viên pháp nhân. Yếu tố độc lập ở đây được hiểu là khi pháp nhân có nghĩa vụ về tài sản thì không được lấy tài sản riêng của thành viên pháp nhân ra để thực hiện nghĩa vụ và ngược lại, khi thành viên của pháp nhân có nghĩa vụ tài sản với ai đó thì không được phép kê biên tài sản của pháp nhân để trả nợ.
Tài sản của pháp nhân được hình thành từ các nguồn sau:
Vốn góp của các thành viên;
Lãi từ hoạt động sản xuất, kinh doanh;
Tài sản được tặng cho, thừa kế;
Tài sản của nhà nước được nhà nước giao quyền quản lý, sử dụng (đối với pháp nhân là các lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước…).
Thứ tư, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ một cách độc lập.
Với tư cách là một chủ thể độc lập, pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự bình đẳng như những chủ thể khác. Pháp nhân có khả năng hưởng quyền và nghĩa vụ vụ dân sự do điều lệ của pháp nhân quy định phù hợp với các quy định pháp luật, cũng như có thể là bị đơn hay nguyên đơn trước tòa. Các pháp nhân thương mại còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội danh nhất định.
Các tổ chức nào có tư cách pháp nhân?
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, hiện nay có 05 loại hình doanh nghiệp bao gồm:
Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên;
Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên;
Công ty cổ phần;
Công ty hợp danh;
Các tổ chức nào không có tư cách pháp nhân
Doanh nghiệp tư nhân;
Hộ gia đình, tổ hợp tác;
Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân;
Tổ chức là quy đầu tư chứng khoán, văn phòng điều hành của nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh;
Hội đồng hương, hội đồng dòng họ, câu lạc bộ,…
Tư cách pháp nhân ảnh hưởng gì đến thành lập doanh nghiệp?
Thứ nhất, tư cách pháp nhân ảnh hưởng đến chế độ chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp có tư cách pháp nhân:
Các thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn. Trừ trường hợp thành viên hợp danh của công ty hợp danh, có thể phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty, nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải nợ.
Khi các khoản nợ vượt quá tổng giá trị tài sản của công ty thì công ty chỉ phải thanh toán hết số tài sản của công ty cho chủ nợ mà thành viên trong công ty không cần phải bỏ ra tài sản cá nhân của mình để hoàn trả số nợ còn thiếu.
Với doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân:
Điển hình của loại doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân là doanh nghiệp tư nhân. Chủ sở hữu doanh nghiệp tự nhân chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của mình/
Khi thành lập doanh nghiệp tư nhân có thể có mức rủi ro cao. Nhưng lại có được sự tin tưởng cao hơn từ phía khách hàng.
Thứ hai, tư cách pháp nhân ảnh hưởng tới cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động của doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, cơ cấu tổ chức của họ phức tạp hơn và được luật quy định nhiều hơn.
Quy định pháp luật về pháp nhân?
Tên gọi của pháp nhân
Về tên gọi của pháp nhân, pháp luật quy định pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng việt, tên gọi nêu rõ loại hình của pháp nhân để phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.
Khi thực hiện giao dịch dân sự, pháp nhân sẽ sử dụng tên gọi của mình
Tên gọi của pháp nhân được pháp luật bảo vệ và công nhận.
Trụ sở của pháp nhân
Trụ sở của pháp nhân là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân. Nếu có thay đổi trụ sở thì pháp nhân phải thông báo công khai. Địa chỉ liên lạc của pháp nhân là địa chỉ trụ sở của pháp nhân.
Quốc tịch của pháp nhân
Theo nguyên tắc nơi thành lập pháp nhân, pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.
Tài sản của pháp nhân
Tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp và các tài sản được xác lập quyền sở hữu của các thành viên pháp nhân.
Thành lập, đăng ký pháp nhân
Pháp nhân được thành lập theo quyết định của cơ quan Nhà nước.
Việc đăng ký phải được công khai.
Các cách tổ chức lại pháp nhân?
Cách 1: Hợp nhất pháp nhân
Các pháp nhân có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới.
Sau khi hợp nhất, các pháp nhân cũ chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân mới được thành lập; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới.
Cách 2: Sáp nhập pháp nhân
Một pháp nhân có thể được sáp nhập (sau đây gọi là pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác (sau đây gọi là pháp nhân sáp nhập).
Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập.
Cách 3: Chia pháp nhân
Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân.
Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.
Cách 4: Tách pháp nhân
Một pháp nhân có thể tách thành nhiều pháp nhân.
Sau khi tách, pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình phù hợp với mục đích hoạt động.
Cách 5: Chuyển đổi hình thức
Pháp nhân có thể được chuyển đổi hình thức thành pháp nhân khác.
Sau khi chuyển đổi hình thức, pháp nhân được chuyển đổi chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân chuyển đổi được thành lập; pháp nhân chuyển đổi kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được chuyển đổi.
Những trường hợp giải thể pháp nhân
Theo quy định của điều lệ;
Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Thanh toán tài sản của pháp nhân bị giải thể
Tài sản của pháp nhân bị giải thể được thanh toán theo thứ tự sau đây:
Chi phí giải thể pháp nhân;
Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
Nợ thuế và các khoản nợ khác.
Sau khi đã thanh toán hết chi phí giải thể pháp nhân và các khoản nợ, phần còn lại thuộc về chủ sở hữu pháp nhân, các thành viên góp vốn.
Quý khách hàng có bất kỳ băn khoăn, vướng mắc liên quan đến loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ cụ thể.Công ty luật Việt An luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ thủ tục xuyên suốt quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp cho thương nhân trong nước và nước ngoài.