info@luatvietan.com

Nghị định 40/2023/NĐ-CP

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 67/2018/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 5 NĂM 2018 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỦY LỢI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thủy lợi (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường)

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:

“Điều 4. Phân loại công trình thủy lợi

Loại công trình thủy lợi quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Thủy lợi được phân loại cụ thể như sau:

1. Đập, hồ chứa nước được phân loại theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

2. Trạm bơm tiêu, trạm bơm tưới tiêu kết hợp:

a) Trạm bơm lớn là trạm bơm có tổng lưu lượng từ 72.000 m3/h trở lên;

b) Trạm bơm vừa là trạm bơm có tổng lưu lượng từ 3.600 m3/h đến dưới 72.000 m3/h;

c) Trạm bơm nhỏ là trạm bơm có tổng lưu lượng dưới 3.600 m3/h.

3. Trạm bơm tưới:

a) Trạm bơm lớn là trạm bơm có tổng lưu lượng từ 12.000 m3/h trở lên;

b) Trạm bơm vừa là trạm bơm có tổng lưu lượng từ 2.000 m3/h đến dưới 12.000 m3/h;

c) Trạm bơm nhỏ là trạm bơm có tổng lưu lượng dưới 2.000 m3/h.

4. Cống:

a) Cống lớn là cống có tổng chiều rộng thông nước:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 20 m trở lên;

Đối với vùng còn lại từ 10 m trở lên.

b) Cống vừa là cống có tổng chiều rộng thông nước:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 3 m đến dưới 20 m;

Đối với các vùng còn lại từ 1,5 m đến dưới 10 m.

c) Cống nhỏ là cống có tổng chiều rộng thông nước:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long dưới 3 m;

Đối với các vùng còn lại dưới 1,5 m.

d) Đối với các cống qua đập phân loại theo loại công trình đập, hồ chứa.

5. Hệ thống tiêu, thoát nước, tưới tiêu kết hợp:

a) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng lớn là công trình có các thông số:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng từ 50 m3/s trở lên hoặc có chiều rộng đáy kênh từ 20 m trở lên;

Đối với các vùng khác có lưu lượng từ 20 m3/s trở lên hoặc có chiều rộng đáy kênh từ 10 m trở lên.

b) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng vừa là công trình có thông số:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng từ 3 m3/s đến dưới 50 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh từ 5 m đến dưới 20 m;

Đối với các vùng khác có lưu lượng từ 1,5 m3/s đến dưới 20 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh từ 3 m đến dưới 10 m.

c) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng nhỏ là công trình có các thông số:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng dưới 3 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh dưới 5 m;

Đối với các vùng khác có lưu lượng dưới 1,5 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh dưới 3 m.

6. Hệ thống cấp, tưới nước:

a) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng lớn là công trình có các thông số:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng từ 20 m3/s trở lên hoặc có chiều rộng đáy kênh từ 10 m trở lên;

Đối với các vùng khác có lưu lượng từ 10 m3/s trở lên hoặc có chiều rộng đáy kênh từ 5 m trở lên.

b) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng vừa là công trình có thông số:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng từ 1 m3/s đến dưới 20 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh từ 1 m đến dưới 10 m;

Đối với các vùng khác có lưu lượng từ 0,5 m3/s đến dưới 10 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh từ 0,5 m đến dưới 5 m.

c) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng nhỏ là công trình có các thông số:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng dưới 1 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh dưới 1 m;

Đối với các vùng khác có lưu lượng dưới 0,5 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh dưới 0,5 m.

7. Đường ống:

a) Đường ống lớn là đường ống dẫn lưu lượng từ 1,5 m3/s trở lên hoặc có đường kính trong từ 1.000 mm trở lên;

b) Đường ống vừa là đường ống dẫn lưu lượng từ 0,025 m3/s đến dưới 1,5 m3/s hoặc có đường kính trong từ 100 mm đến dưới 1.000 mm;

c) Đường ống nhỏ là đường ống dẫn lưu lượng dưới 0,025 m3/s hoặc có đường kính trong dưới 100 mm.

8. Bờ bao thủy lợi:

a) Bờ bao lớn là bờ bao bảo vệ cho khu vực có diện tích từ 10.000 ha trở lên;

b) Bờ bao vừa là bờ bao bảo vệ cho khu vực có diện tích từ 500 ha đến dưới 10.000 ha;

c) Bờ bao nhỏ là bờ bao bảo vệ cho khu vực có diện tích dưới 500 ha.

9. Hệ thống công trình thủy lợi:

a) Hệ thống công trình thủy lợi lớn là hệ thống có nhiệm vụ tưới cho diện tích đất canh tác hoặc tiêu, thoát nước cho diện tích tự nhiên từ 20.000 ha trở lên;

b) Hệ thống công trình thủy lợi vừa là hệ thống có nhiệm vụ tưới cho diện tích đất canh tác hoặc tiêu, thoát nước cho diện tích tự nhiên từ 2.000 ha đến dưới 20.000 ha;

c) Hệ thống công trình thủy lợi nhỏ là hệ thống có nhiệm vụ tưới cho diện tích đất canh tác hoặc tiêu, thoát nước cho diện tích tự nhiên dưới 2.000 ha.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

“Điều 8. Yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước

1. Đập, hồ chứa quan trọng đặc biệt: bố trí ít nhất 07 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 02 người có thâm niên quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước từ 05 năm trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.

2. Đập, hồ chứa nước lớn:

a) Đập, hồ chứa có dung tích trữ từ 50.000.000 m3 trở lên: bố trí ít nhất 05 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 02 người có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 05 năm trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước;

b) Đập, hồ chứa có dung tích trữ từ 10.000.000 m3 đến dưới 50.000.000 m3: bố trí ít nhất 03 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 01 người có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 05 năm trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước;

c) Đập, hồ chứa lớn còn lại, trừ đập, hồ chứa lớn quy định tại điểm a, điểm b khoản này: bố trí ít nhất 02 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.

3. Đập, hồ chứa nước vừa:

a) Đập, hồ chứa có dung tích trữ từ 1.000.000 m3 đến dưới 3.000.000 m3: tổ chức, cá nhân khai thác phải có ít nhất 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước;

b) Đập, hồ chứa vừa còn lại, trừ đập, hồ chứa nước vừa quy định tại điểm a khoản này: tổ chức, cá nhân khai thác phải có ít nhất 01 cao đẳng chuyên ngành thủy lợi và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.

4. Đập, hồ chứa nước nhỏ: tổ chức, cá nhân khai thác phải có ít nhất 01 người có trình độ từ trung học phổ thông hoặc công nhân bậc 2 trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

“Điều 9. Yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ chức, cá nhân khai thác trạm bơm điện cố định

1. Trạm bơm điện tiêu và tưới tiêu kết hợp loại lớn:

a) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 11.000 m3/h trở lên: phải có ít nhất 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi và 01 kỹ sư chuyên ngành cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên;

b) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 8.000 m3/h đến dưới 11.000 m3/h: phải có ít nhất 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 02 năm trở lên;

c) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 4.000 m3/h đến dưới 8.000 m3/h: phải có ít nhất 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 01 năm trở lên.

2. Trạm bơm điện tiêu và tưới tiêu kết hợp loại vừa:

a) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 11.000 m3/h trở lên: phải có ít nhất 01 cán bộ có trình độ cao đẳng chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên;

b) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 8.000 m3/h đến dưới 11.000 m3/h: phải có ít nhất 02 trung cấp chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên;

c) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 4.000 m3/h đến dưới 8.000 m3/h: phải có ít nhất 02 trung cấp chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên;

d) Trạm bơm điện có loại máy bơm có công suất từ 1.000 m3/h đến dưới 4.000 m3/h: phải có ít nhất 01 trung cấp chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên.

3. Trạm bơm điện tiêu và tưới tiêu kết hợp loại nhỏ:

a) Trạm bơm điện có loại máy bơm có công suất từ 1.000 m3/h đến dưới 4.000 m3/h: phải có ít nhất 01 công nhân chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 02 năm trở lên;

b) Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 540 m3/h đến dưới 1.000 m3/h: phải có ít nhất 01 người vận hành có trình độ trung học cơ sở và có thâm niên quản lý, vận hành từ 01 năm trở lên.

4. Trạm bơm điện tưới:

a) Trạm bơm tưới loại lớn có tổng lưu lượng từ 72.000 m3/h trở lên thì áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trạm bơm tưới loại lớn có tổng lưu lượng từ 12.000 m3/h đến dưới 72.000 m3/h và trạm bơm tưới loại vừa có tổng lưu lượng từ 3.600 m3/h đến dưới 12.000 m3/h thì áp dụng quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Trạm bơm tưới loại vừa có tổng lưu lượng dưới 3.600 m3/h và trạm bơm tưới loại nhỏ áp dụng quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Ngoài số lượng cán bộ chuyên môn được quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này, số lượng lao động khác đối với từng trạm bơm được xác định bằng định mức kinh tế – kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

“Điều 11. Đào tạo về quản lý, khai thác công trình thủy lợi

1. Các cơ sở đào tạo có chức năng, nhiệm vụ, năng lực phù hợp được tổ chức các khóa đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho các đối tượng làm công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, quản lý đập.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng làm công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, quản lý đập làm cơ sở để các cơ sở đào tạo và địa phương tổ chức triển khai thực hiện.”

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 như sau:

“3. Đối với các tổ chức được giao khai thác nhiều công trình đầu mối, nhân sự quản lý, khai thác được phép bố trí làm việc kiêm nhiệm nhưng phải đảm bảo quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo pháp luật lao động và đảm bảo đủ năng lực để vận hành, khai thác các công trình được giao.”

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:

Điều 14. Nguyên tắc cấp phép

1. Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và công trình được cấp phép, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi; không ảnh hưởng đến nhiệm vụ của công trình thủy lợi, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; phù hợp với nguyên tắc sử dụng công trình đa mục tiêu, sử dụng tổng hợp đất đai, quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước theo quy định tại Luật Thủy lợi, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

3. Đối với nhiều hoạt động thuộc cùng một dự án do tổ chức, cá nhân đầu tư từ giai đoạn xây dựng công trình đến giai đoạn khai thác, sử dụng thuộc thẩm quyền cấp phép của một cơ quan thì cấp một giấy phép.

4. Đối với các dự án bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa hoặc bổ sung hạng mục vào công trình thủy lợi hiện có do chủ sở hữu công trình thủy lợi quyết định chủ trương đầu tư thì không phải xin giấy phép.”

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

“Điều 15. Căn cứ cấp phép

Việc cấp giấy phép đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải căn cứ:

1. Nhiệm vụ, hiện trạng công trình thủy lợi.

2. Quy hoạch thủy lợi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch thủy lợi được duyệt thì căn cứ vào thiết kế của công trình thủy lợi và bảo đảm không ảnh hưởng đến an toàn và vận hành công trình thủy lợi.

3. Tình hình thực hiện các quy định trong giấy phép đã cấp của tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn giấy phép.”

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:

“Điều 16. Thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép cho các hoạt động quy định tại Điều 13 Nghị định này

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 9, khoản 10 Điều 13 Nghị định này trong phạm vi bảo vệ công trình do bộ quản lý.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động quy định tại Điều 13 Nghị định này trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.”

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau:

“Điều 22. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản 10 Điều 13 Nghị định này

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua môi trường mạng đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Sơ họa vị trí khu vực tiến hành hoạt động đề nghị cấp giấy phép.

3. Báo cáo đánh giá ảnh hưởng của hoạt động đến việc quản lý, khai thác và an toàn công trình thủy lợi.

4. Văn bản ý kiến của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi về ảnh hưởng của hoạt động đến việc quản lý, khai thác và an toàn công trình thủy lợi của tổ chức, cá nhân.

5. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện cơ giới đường bộ; phương tiện đường thủy nội địa đối với hoạt động tại khoản 7 Điều 13 Nghị định này.

6. Bản sao giấy phép dịch vụ nổ mìn đối với hoạt động tại khoản 9 Điều 13 Nghị định này.

7. Đối với các dự án đầu tư trong phạm vi bảo vệ của công trình thủy lợi, hồ sơ đề nghị cấp phép phải bổ sung:

a) Bản sao quyết định thành lập hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

b) Bản sao quyết định phê duyệt quy hoạch, chủ trương đầu tư, dự án đầu tư;

c) Bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

d) Bản sao thông báo thẩm định thiết kế cơ sở, bản vẽ thiết kế của dự án;

đ) Bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công được phê duyệt đối với trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 10 Điều 13 Nghị định này.”

10. Sửa đổi, bổ sung Điều 28 như sau:

“Điều 28. Hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép

Tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua môi trường mạng đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Sơ họa vị trí khu vực tiến hành hoạt động đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép.

3. Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép được cấp của tổ chức, cá nhân.

4. Văn bản ý kiến của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi về tình hình thực hiện giấy phép được cấp của tổ chức, cá nhân.

5. Đối với các dự án đầu tư trong phạm vi bảo vệ của công trình thủy lợi, hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép phải bổ sung:

a) Bản sao quyết định thành lập hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (cập nhật đến thời điểm đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép);

b) Trường hợp có thay đổi quy mô, công suất, thông số chủ yếu của các hoạt động được cấp phép phải bổ sung: bản sao quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường; bản sao thông báo thẩm định thiết kế cơ sở, bản vẽ thiết kế của dự án điều chỉnh.”

11. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 29 như sau:

“a) Đối với hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 10 Điều 13 Nghị định này:

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép gia hạn, điều chỉnh nội dung; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.

b) Đối với hoạt động quy định tại khoản 5, khoản 7 Điều 13 Nghị định này:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép gia hạn, điều chỉnh nội dung; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.

c) Đối với hoạt động quy định tại khoản 6, khoản 8, khoản 9 Điều 13 Nghị định này:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép gia hạn, điều chỉnh nội dung; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.”

12. Sửa đổi, bổ sung Điều 30 như sau:

“Điều 30. Cấp lại giấy phép

1. Giấy phép được cấp lại thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép bị mất, bị rách, hư hỏng;

b) Tên của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép bị thay đổi do chuyển nhượng, sáp nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức.

2. Hồ sơ cấp lại giấy phép:

a) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này: Tổ chức cá nhân nộp đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này: Tổ chức cá nhân nộp đơn đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bản sao các Quyết định do cơ quan có thẩm quyền cấp về việc thay đổi tên doanh nghiệp do chuyển nhượng, sát nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức.

3. Trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép:

a) Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này: Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua môi trường mạng đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp lại giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy phép thì trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không cấp lại giấy phép.

4. Thời hạn ghi trong giấy phép cấp lại là thời hạn còn lại của giấy phép đã cấp.”

Điều 2. Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thủy lợi

1. Thay thế cụm từ “cống dưới đê” bằng cụm từ “cống qua đê” tại khoản 1 Điều 10; thay cụm từ “cống ngăn sông lớn” bằng cụm từ “cống lớn ngăn sông” tại khoản 1 Điều 10; thay thế cụm từ “Tổng cục Thủy lợi” bằng cụm từ “Cục Thủy lợi” tại khoản 1 Điều 17.

2. Bỏ cụm từ “và có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác công trình thủy lợi” tại khoản 2 Điều 10.

3. Bãi bỏ Điều 24; Điều 25; Điều 26; Điều 27.

4. Bổ sung vào sau Mẫu số 02 Phụ lục III Nghị định số 67/2018/NĐ-CP Mẫu số 03 Đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.

2. Quy định chuyển tiếp

a) Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của tổ chức, cá nhân nộp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thủy lợi (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường).

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, kiện toàn chủ thể khai thác công trình thủy lợi phù hợp với quy định của Luật Thủy lợi, hoàn thành chậm nhất 05 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Tư vấn pháp luật doanh nghiệp
Tư vấn pháp luật doanh nghiệp
Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ
Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ
Tư vấn pháp luật đầu tư
Tư vấn pháp luật đầu tư
Tư vấn pháp luật dân sự
Tư vấn pháp luật dân sự
Tư vấn pháp luật lao động
Tư vấn pháp luật lao động
Tư vấn pháp luật tài chính/kế toán/thuế
Tư vấn pháp luật tài chính - kế toán – thuế
Tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình
Tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình
Tư vấn pháp luật hình sự
Tư vấn pháp luật hình sự
Tư vấn pháp luật đất đai
Tư vấn pháp luật đất đai
Tư vấn pháp luật hành chính
Tư vấn pháp luật hành chính
Trọng tài thương mại
Trọng tài thương mại
Giải quyết tranh chấp
Giải quyết tranh chấp

Bài viết liên quan

Văn bản pháp luật

Văn bản pháp luật

Hỏi đáp pháp luật

CÔNG TY LUẬT - ĐẠI DIỆN SỞ HỮU TRÍ TUỆ - ĐẠI LÝ THUẾ VIỆT AN

Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động số: 01010266/TP/ĐKHĐ, cấp lần đầu ngày 23/10/2007 tại Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội.

Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh Công ty Luật Việt An tại TP Hồ Chí Minh

Đại diện bởi: TS. LS Đỗ Thị Thu Hà (Giám đốc Công ty)

Mã số thuế: 0102392370

Văn phòng tại Hà Nội:

Tầng 3, Tòa nhà Hoàng Ngân Plaza, số 125 Hoàng Ngân, Phường Trung Hòa,
Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Điện thoại: (024) 66 64 06 06 - (024) 66 64 05 05

Phone: 09 33 11 33 66

Email: info@luatvietan.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh:

P. 04.68, Tầng 4, Sảnh A, Khu văn phòng: Tòa nhà RiverGate Residence, 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại : (‭028) 36 36 29 65‬ - (028) 36 36 29 75‬

Phone: 09 61 67 55 66

Email : info@luatvietan.com