info@luatvietan.com

Nghị định 19/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền

Ngày 15/11/2022, Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 để thay thế cho luật phòng chống rửa tiền năm 2012 nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền, đồng thời cũng tập trung vào công tác phòng, chống tội phạm nói chung. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2023. Để việc thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền đạt được hiệu quả cao, ngày 28/04/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền

Toàn văn Nghị định 19/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền

Tải Nghị định 19/2023/NĐ-CP tại đây

Những thông tin cơ bản của Nghị định 19/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền

Những thông tin cơ bản của Nghị định 19/2023 hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền bao gồm:

Số ký hiệu: 19/2023/NĐ-CP

Ngày ban hành: 28/04/2023

Ngày có hiệu lực: 28/04/2023

Loại văn bản: Nghị định

Cơ quan ban hành: Chính phủ

Người ký: Lê Minh Khái

Nội dung hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền theo quy định của Nghị định 19/2023/NĐ-CP cụ thể như sau

Nghị định 19/2023/NĐ-CP gồm có 4 chương và 14 điều, giảm một cách đáng kể số lượng điều khoản hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền so với Nghị định 116/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 87/2019/NĐ-CP với những nội dung khái quát hơn và cụ thể hóa dữ liệu thông tin, dữ liệu đánh giá nguy cơ, tính toàn diện, hiệu quả, hậu quả của rửa tiền bởi các phụ lục đi kèm.

Phạm vi điều chỉnh

Nghị định 19/2023/NĐ-CP tập trung điều chỉnh một số điều, khoản của Luật Phòng, chống rửa tiền về nguyên tắc, tiêu chí, các phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; nhận biết khách hàng; tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi; giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo,….

Đối tượng áp dụng

Nội dung của nghị định 19/2023/NĐ-CP áp dụng cho 4 nhóm đối tượng chính đó là: các tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân khác và các cơ quan có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.

Bổ sung riêng một chương về đánh giá rủi ro về tiền

Nguyên tắc đánh giá

Nghị định 19/2023/NĐ-CP, quy định về các nguyên tắc đánh giá rủi ro quốc gia về tiền như sau:

  • Việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và các tiêu chí, phương pháp được áp dụng phải tuân thủ những quy định đã được quy định trong pháp luật, đồng thời phải đảm bảo sự phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thích ứng với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
  • Quá trình đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền phải xác định được mức độ rủi ro về rửa tiền của quốc gia
  • Việc đánh giá rủi ro quốc gia về tiền là cơ sở chính để xây dựng kế hoạch thực hiện và cập nhật chính sách, chiến lược phòng, chống rửa tiền phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến của tội phạm rửa tiền. Điều này giúp cho các cơ quan liên quan có cơ sở khoa học và chính xác để đưa ra các biện pháp phòng, chống rửa tiền linh hoạt và hiệu quả.
  • Thông tin, tài liệu, dữ liệu cần thiết cho việc đánh giá rủi ro được thu thập từ các cơ quan có thẩm quyền và các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước. Việc thu thập thông tin này phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch và bảo đảm tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Điều này giúp đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin được sử dụng để đánh giá rủi ro và đề xuất các biện pháp phòng, chống rửa tiền.

Như vậy, theo quy định tại Nghị định 19/2023/NĐ-CP, việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền phải tuân thủ theo bốn nguyên tắc cơ bản nêu trên, nhằm đảm bảo hiệu quả cũng như đảm bảo được tính công khai, minh bạch, trong việc phòng, chống rửa tiền.

Tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền

Tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được quy định tại Nghị định 19/2023/NĐ-CP gồm ba phần chính, bao gồm tiêu chí nguy cơ rửa tiền, tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền, và tiêu chí hậu quả của rửa tiền đối với quốc gia và các ngành, lĩnh vực.

Tiêu chí nguy cơ rửa tiền bao gồm việc đánh giá nguy cơ rửa tiền từ tội phạm nguồn của tội rửa tiền và nguy cơ rửa tiền đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Cả hai vấn đề này đều được đánh giá ở phạm vi rong nước và xuyên quốc gia. Điều này giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá mức độ nguy cơ mà các tội phạm nguồn trong và ngoài nước có thể gây ra cho hệ thống tài chính và xã hội. Đồng thời, việc xác định nguy cơ rửa tiền đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể giúp tập trung các biện pháp phòng, chống rửa tiền vào những lĩnh vực có nguy cơ cao.

Tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền tập trung vào tính toàn diện của khuôn khổ pháp lý và hiệu quả thực hiện quy định pháp luật. Điều này bao gồm đánh giá tính đầy đủ và chính xác của các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống rửa tiền cả ở cấp quốc gia lẫn cấp ngành, lĩnh vực. Đồng thời, việc đánh giá hiệu quả thực hiện quy định pháp luật giúp xác định những khuyết điểm và đề xuất cải tiến để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền.

Tiêu chí hậu quả của rửa tiền liên quan đến các tác động tiêu cực mà hoạt động rửa tiền có thể gây ra đối với nền kinh tế, hệ thống tài chính, các ngành và lĩnh vực cũng như xã hội. Việc đánh giá hậu quả giúp hiểu rõ sự tác động tiêu cực của rửa tiền và đưa ra các biện pháp phòng, chống hiệu quả hơn nhằm bảo vệ hệ thống tài chính, đảm bảo sự ổn định của kinh tế và xã hội.

Tiêu chí hậu quả của rửa tiền

Tiêu chí hậu quả của rửa tiền bao gồm 4 tiêu chí như sau: Tiêu chí tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với nền kinh tế; Tiêu chí tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với hệ thống tài chính; Tiêu chí tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với ngành, lĩnh vực; Tiêu chí tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với xã hội. Có thể tham khảo thông tin, số liệu, dữ liệu đánh giá hậu quả của rửa tiền như sau:

Hậu quả của rửa tiền Thông tin số liệu, dữ liệu
Tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với nền kinh tế Cán cân xuất – nhập khẩu

Tổng sản phẩm quốc nội

Tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với nền hệ thống tài chính Bất ổn tiềm tàng của hệ thống tài chính
Rủi ro về thanh khoản, trả nợ Chi phí điều tra và xử phạt
Tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với ngành, lĩnh vực Cạnh tranh bất bình đẳng trong khu vực tư nhân
Cạnh tranh bất bình đẳng trong khu vực tư nhân
Tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với ngành, lĩnh vực Cạnh tranh bất bình đẳng trong khu vực tư nhân
Ảnh hưởng đến danh tiếng, lợi nhuận
Tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với xã hội Tăng tội phạm và tham nhũng
Các hình phạt không hiệu quả, khó khăn trong tịch thu, thu hồi tài sản phạm tội

Các tiêu chí, dữ liệu được cụ thể bởi các phụ lục tạo sự thống nhất cao trong hình thức của Nghị định 19/2023/NĐ-CP so với Nghị định cũ.

Điểm mới của Nghị định 19/2023/NĐ-CP về các biện pháp phòng, chống rửa tiền

Các quy định của Nghị định 19/2023/NĐ-CP đã thay đổi đáng kể về nội dung so với Nghị định 116/2013/NĐ-CP, cụ thể Nghị định 19/2023/NĐ-CP chỉ còn 14 điều thay vì 36 điều như tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP. Đồng thời, Nghị định 19/2023/NĐ-CP cũng bổ sung thêm các quy định để phù hợp với sự phát triển của cách mạng 4.0, bổ sung thêm quy định về các phương thức thanh toán mới như ví điện tử, ngân hàng điện tử,…

Nghị định 19/2023/NĐ-CP cũng thay đổi các tiêu chí nhận biết khách hàng và tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi, cụ thể như sau:

  • Đối với tiêu chí nhận biết khách hàng, khi khách hàng không có tài khoản hoặc khách hàng đã có tài khoản nhưng không giao dịch trong vòng 6 tháng liên tục trước đó thực hiện giao dịch nộp, rút hoặc chuyển khoản có tổng giá trị từ 400.000.000 đồng hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương trở lên trong một ngày thì các tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng. Tại Nghị định Nghị định 19/2023/NĐ-CP, mức giao dịch thực hiện trong một ngày đã nâng lên thành 400.000.000 đồng thay vì 300.000.000 như tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP. Hoặc trong trường hợp Tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng phải nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch với tổng giá trị từ 70.000.000 đồng thay vì mức 60.000.000 đồng tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP.
  • Đối với tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi, đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi tại Nghị định 19/2023/NĐ-CP quy định: “Đối tượng báo cáo xác định cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ trở lên của tổ chức đó hoặc cá nhân cuối cùng có quyền chi phối đối với khách hàng là tổ chức” thay vì “Cá nhân có quyền chi phối pháp nhân: Cá nhân nắm giữ từ 10% trở lên vốn điều lệ của pháp nhân đó; cá nhân nắm giữ từ 20% trở lên vốn điều lệ của các tổ chức góp trên 10% vốn của pháp nhân đó; chủ doanh nghiệp tư nhân; cá nhân khác thực tế chi phối pháp nhân đó” như tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, Nghị định 19/2023/NĐ-CP cũng bổ sung thêm một chương riêng liên quan đến đánh giá rủi ro về tiền, đồng thời quy định chi tiết hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.

Những quy định mới của Nghị định 19/2023/NĐ-CP là để bắt kịp sự thay đổi và phát triển của xã hội cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, khi mà các quy định, các tiêu chí tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP không còn phù hợp nữa.

Thu thập, xử lý và phân tích thông tin phòng, chống rửa tiền

Quá trình thu thập, xử lý và phân tích thông tin phòng, chống rửa tiền đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và đối phó với hoạt động rửa tiền. Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được phép yêu cầu các tổ chức và cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo theo quy định của pháp luật. Đồng thời, họ cũng tiếp nhận và thu thập thông tin trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phục vụ công tác phân tích, trao đổi, cung cấp và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền.

Đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan, việc cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu cho cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền cũng phải tuân thủ đúng thời hạn yêu cầu. Điều này giúp đảm bảo tính hiệu quả và đúng đắn trong việc thu thập thông tin cần thiết để phòng, chống rửa tiền.

Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền trong Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành xử lý và phân tích thông tin nhận được. Họ sử dụng các nguồn thông tin sẵn có và thu thập thêm thông tin bổ sung để xác định các xu hướng và mô hình rửa tiền. Từ đó, cơ quan này xây dựng chiến lược và mục tiêu phòng, chống rửa tiền phù hợp với từng giai đoạn trong ngành, lĩnh vực và quốc gia.

Ngoài ra, cơ quan này cũng tiến hành phân tích thông tin dựa trên nguồn thông tin sẵn có và thu thập thêm thông tin bổ sung để lần theo dấu giao dịch. Việc này giúp xác định các mối liên hệ, các hoạt động có nghi ngờ liên quan tới rửa tiền hoặc các hoạt động tội phạm khác. Điều này làm nền tảng cho việc xử lý và đối phó với các hoạt động nguy hiểm và tiềm tàng nguy cơ rửa tiền.

Áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch

Biện pháp trì hoãn giao dịch là một trong những biện pháp tạm thời được Nghị định 19/2023/NĐ-CP áp dụng nhằm chống lại hoạt động rửa tiền và đối phó với các hoạt động tội phạm liên quan. Điều đặc biệt là Nghị định này đã điều chỉnh và bổ sung chi tiết hơn về căn cứ để nghi ngờ và phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc danh sách đen, từ đó thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch một cách hiệu quả.

Cụ thể, Nghị định 19/2023/NĐ-CP chỉ định rõ các trường hợp sau đây đều phải áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch:

Khi có cá nhân hoặc tổ chức liên quan tới giao dịch có toàn bộ thông tin giống hệt với một cá nhân hoặc tổ chức nằm trong Danh sách đen.

Khi cá nhân tham gia giao dịch có một trong những thông tin sau đây trùng khớp với một cá nhân nằm trong Danh sách đen và thông tin thu thập được cho thấy có liên quan tới các hoạt động khủng bố, tài trợ khủng bố, phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt:

  • Họ tên, ngày tháng năm sinh.
  • Họ tên, năm sinh, quốc tịch.
  • Họ tên, địa chỉ.
  • Tên và địa chỉ.
  • Tên và số Hộ chiếu.
  • Tên và số Chứng minh nhân dân, số Căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân.

Khi tổ chức liên quan tới giao dịch có một trong những thông tin sau đây khớp với một tổ chức nằm trong Danh sách đen và thông tin thu thập được cho thấy có liên quan tới các hoạt động khủng bố, tài trợ khủng bố, phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt:

  • Tên giao dịch.
  • Số giấy phép thành lập.
  • Mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế.

Những trường hợp được đề cập trên đây khi xảy ra trong quá trình giao dịch sẽ buộc phải thực hiện biện pháp trì hoãn, để thực hiện kiểm tra, xác minh thông tin trước khi tiếp tục thực hiện giao dịch. Việc áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch theo cách này giúp đảm bảo sự minh bạch và đáng tin cậy trong các hoạt động tài chính, đồng thời hạn chế và ngăn chặn hiện tượng rửa tiền và tội phạm liên quan.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về pháp luật đầu tư, pháp luật dân sự, về những vấn đề liên quan đến Luật Phòng, chống rửa tiền xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.

Tư vấn pháp luật doanh nghiệp
Tư vấn pháp luật doanh nghiệp
Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ
Tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ
Tư vấn pháp luật đầu tư
Tư vấn pháp luật đầu tư
Tư vấn pháp luật dân sự
Tư vấn pháp luật dân sự
Tư vấn pháp luật lao động
Tư vấn pháp luật lao động
Tư vấn pháp luật tài chính/kế toán/thuế
Tư vấn pháp luật tài chính - kế toán – thuế
Tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình
Tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình
Tư vấn pháp luật hình sự
Tư vấn pháp luật hình sự
Tư vấn pháp luật đất đai
Tư vấn pháp luật đất đai
Tư vấn pháp luật hành chính
Tư vấn pháp luật hành chính
Trọng tài thương mại
Trọng tài thương mại
Giải quyết tranh chấp
Giải quyết tranh chấp

Bài viết liên quan

Văn bản pháp luật

Văn bản pháp luật

Hỏi đáp pháp luật

CÔNG TY LUẬT - ĐẠI DIỆN SỞ HỮU TRÍ TUỆ - ĐẠI LÝ THUẾ VIỆT AN

Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động số: 01010266/TP/ĐKHĐ, cấp lần đầu ngày 23/10/2007 tại Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội.

Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh Công ty Luật Việt An tại TP Hồ Chí Minh

Đại diện bởi: TS. LS Đỗ Thị Thu Hà (Giám đốc Công ty)

Mã số thuế: 0102392370

Văn phòng tại Hà Nội:

Tầng 3, Tòa nhà Hoàng Ngân Plaza, số 125 Hoàng Ngân, Phường Trung Hòa,
Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Điện thoại: (024) 66 64 06 06 - (024) 66 64 05 05

Phone: 09 33 11 33 66

Email: info@luatvietan.com

Văn phòng tại Hồ Chí Minh:

P. 04.68, Tầng 4, Sảnh A, Khu văn phòng: Tòa nhà RiverGate Residence, 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại : (‭028) 36 36 29 65‬ - (028) 36 36 29 75‬

Phone: 09 61 67 55 66

Email : info@luatvietan.com